Giao tiếp là công cụ tuyệt vời để con người bước thêm một bước để hiểu và chia sẻ với nhau. Trong một thế giới ngày càng kết nối, con người lại càng bị chia cắt, vì chưa có đủ các cuộc hội thoại hiệu quả. Người ta sẵn sàng “tâm sự cùng người lạ”, nhưng né tránh nhìn vào mắt nhau. Người ta sẵn sàng công kích một ai đó họ chẳng biết, nhưng né tránh nói lên sự thật của mình để hiểu nhau hơn.
Một cuộc tranh luận hiệu quả không chỉ là một cuộc tranh luận hay một cuộc thảo luận. Đó là khả năng nhận thức hoặc hiểu một ý tưởng hoặc tuyên bố từ một quan điểm khác. Tranh luận có mối quan hệ liên thuộc đến tư duy phê phán (critical thinking), kỹ năng lắng nghe nhạy bén và khả năng đi đến tận cùng một chủ đề cụ thể.
Để một đứa trẻ trở thành một nhà tranh luận giỏi, bé phải có khả năng:
- Đưa ra các lý do cho các sự kiện của cuộc tranh luận
- Thể hiện quan điểm của con với tốc độ, giai điệu và ngôn ngữ cơ thể phù hợp, và quan trọng nhất là thu hút người nghe.
- Lắng nghe một cách nghiêm túc và đưa ra một phản ứng hợp lý, hợp tình
- Tổ chức, sắp xếp lời nói của bé một cách hiệu quả trong khi nói
.
Khuyến khích trẻ tranh luận đã chứng minh tác động tích cực trên tất cả các khía cạnh của sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của chúng sau này. Sau đây là một số lý do vì sao bé nhà chúng ta cần được khuyến khích tranh luận lành mạnh:
1. Giúp trẻ học cách thể hiện bản thân và xây dựng sự tự tin
Trước hết, tranh luận giúp trẻ phát triển khả năng bày tỏ ý kiến và quan điểm rõ ràng trước mọi người, điều này tạo cho chúng cảm giác tự tin và can đảm. Những từ ngữ tập trung và tự tin giúp tăng thêm sự tự tin cho trẻ nói chuyện trước công chúng.
Tranh luận thực sự là một cách tiềm năng để xây dựng trong các con lòng tự trọng và tự do tư tưởng. Vì trẻ được phép chia sẻ ý kiến của mình, con cảm thấy mình được lắng nghe và có giá trị. Con sẽ có cảm giác rằng tiếng nói và suy nghĩ của con thực sự quan trọng đối với thế giới, hoặc ít nhất là với người lắng nghe về vấn đề đó.
2. Phát triển khả năng nghiên cứu và tìm hiểu
Học cách tranh luận giúp ích rất nhiều cho việc phát triển kỹ năng nghiên cứu của trẻ. Khi một đứa trẻ cần thêm luận cứ vào cuộc tranh luận của mình, bé sẽ tự động bắt đầu nghiên cứu chủ đề và học cách tìm ra các bằng chứng. Tuy nhiên, khi một chủ đề là một chủ đề rất quen thuộc, bé hoàn toàn có thể rút ra từ chính trải nghiệm của mình mà không cần bất kỳ sự chuẩn bị nào. Đây là một kỹ năng quan trọng không kém khác cần thiết cho trẻ em để trở nên chuyên nghiệp trong giai đoạn đi làm. Hơn nữa, khả năng nghiên cứu lão luyện cho phép trẻ em nhận thức được thế giới xung quanh và khám phá ngay cả ngoài lĩnh vực học thuật.
3. Có được kiến thức phong phú
Tham gia vào các cuộc tranh luận có thể giúp trẻ mở rộng tầm nhìn khi chúng bắt đầu khám phá thông tin rộng hơn cùng với việc đánh giá các vấn đề đạo đức liên quan. Vì các cuộc tranh luận cung cấp một nền tảng để nhìn mọi thứ từ nhiều khía cạnh khác nhau, nó cho phép các bé phân tích mọi thứ sâu sắc. Kết quả mong đợi của việc tham gia vào một cuộc tranh luận là đứa trẻ có được một phân tích và kiến thức đa dạng về chủ đề này. Tranh luận cũng giúp trẻ học những điều mới và cập nhật cho chúng về các sự kiện hiện tại, chính trị, tiến bộ khoa học và từ vựng mới. Đó là lí do chúng ta luôn cần chuẩn bị những hành trang kiến thức đầy đủ nhất cho con. Đó cũng là lí do Hộp Tò Mò luôn có những chủ đề riêng cho mỗi tháng, nhằm trang bị kiến thức “chuyên sâu” cho bé thông qua hoạt động vui chơi.
4. Khả năng suy nghĩ rõ ràng và logic
Với khả năng tranh luận đúng đắn, trẻ em được dạy phải suy nghĩ rõ ràng và logic. Chúng học cách sắp xếp lời nói của mình để chứng minh quan điểm trong một cuộc tranh luận. Điều cần thiết là trẻ học cách ưu tiên các điểm quan trọng và chuẩn bị cho cuộc phản biện từ những điểm đó. Bằng cách này, trẻ sẽ học cách ghi nhớ thông tin nhanh hơn và cũng trở nên hiểu biết về các sự kiện. Ngoài ra, các cuộc tranh luận cũng xây dựng các kỹ năng lắng nghe quan trọng ở trẻ em, cho phép chúng phản ứng khéo léo với những người khác. Nhờ đó trẻ em có thể trình bày quan điểm rõ ràng khi đi học. Có lối tư rõ ràng và có tổ chức mang lại nhiều lợi thế dù là ở trường hay ở ngoài xã hội.
5. Phát triển các kỹ năng sống quan trọng
Thúc đẩy một kỹ năng nghe và nói ở trẻ con có tầm quan trọng hàng đầu trong bất kỳ nền giáo dục nào. Các hoạt động tranh luận là cách tốt nhất để bồi dưỡng những kỹ năng đó. Các cuộc tranh luận không chỉ giúp nâng cao các kỹ năng cá nhân ở trẻ em mà còn giúp chúng có được các kỹ năng chuyên môn đặc biệt sẽ hữu ích sau này trong cuộc sống. Trẻ em trở nên có trách nhiệm và nhạy cảm với các ý kiến trái chiều từ người khác bằng cách rèn luyện khả năng chịu đựng và hướng nội khi gặp phải những quan điểm không phù hợp. Ngoài ra, con học cách thể hiện mình bằng cách áp dụng lý luận đúng đắn và nói lên quan điểm của mình một cách hiệu quả.
Nếu được hướng dẫn đúng, trẻ trở thành những nhà phân tích khách quan và nhạy cảm, sẵn sàng đi xa hơn để hiểu quan điểm của đối phương cũng như kiên nhẫn giải thích cho quan điểm của mình. Đích đến cuối cùng của tranh luận chẳng phải đúng – sai, phải – trái, mà là sự thấu hiểu, cảm thông và sẻ chia giữa con người. Khi ta hiểu nhau, công việc, học tập, mối quan hệ tình cảm đều tự nhiên được cải thiện. Khi thảo luận về các chủ đề cụ thể, trẻ em được trao quyền để mài giũa khả năng tư duy và xây dựng bản thân thành người lớn có trách nhiệm.
Tóm lại, các cuộc tranh luận có tác động bổ ích đến các kỹ năng và sự phát triển nhân cách tổng thể của một đứa trẻ. Kỹ năng tranh luận lành mạnh không chỉ là cơ hội để phát triển toàn diện của trẻ mà còn là bài toán khó của người lớn chúng ta, đặc biệt là trong giao tiếp với các bé.
Chúc bé an yên khám phá và giao tiếp với thế giới theo cách của riêng mình!
Nguyễn Đào Thanh Nam
Nguồn hoptomo.vn