Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh sự tò mò mang lại nhiều lợi ích cho mỗi cá nhân trong cả giai đoạn thơ bé và khi đã trưởng thành, vì vậy cần được nuôi dưỡng đúng cách.
Trí tò mò giúp bé có khả năng toán học và đọc viết tốt hơn
Đối với giai đoạn thơ bé, bà Prachi Shah, phó giáo sư nhi khoa tại Đại học Michigan, đã tiến hành nghiên cứu trên 6.200 trẻ em và chỉ ra rằng đối với trẻ mẫu giáo, những bé có trí tò mò cao thường có khả năng toán học và đọc viết tốt hơn, khả năng tập trung cao hơn những trẻ ít tò mò về thế giới. Nghiên cứu của bà cũng chỉ ra rằng, sự tò mò, hay khát khao học hỏi những điều mới mẻ, là tương đồng giữa những trẻ có hoàn cảnh khó khăn với những trẻ đến từ gia đình có điều kiện. Khi trưởng thành, sự tò mò khiến ta có nhiều động lực học hỏi trong công việc. Nói một cách khác, sự tò mò tỉ lệ thuận với cơ hội thành công.
Trí tò mò mang đến cho trẻ những kỹ năng mềm phong phú hơn
Thêm vào đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những bé có tính tò mò thường sẽ có kỹ năng mềm tốt hơn, bé biết lắng nghe hơn, biết giao tiếp tốt hơn, và biết xây dựng các mối quan hệ phong phú hơn. Trong các cuộc giao tiếp nói chuyện, trẻ em, hay cả người trưởng thành có óc tò mò sẽ có xu hướng chia sẻ về sở thích đa dạng của bản thân. Điều đó mang lại niềm vui và sự mới lạ trong các cuộc nói chuyện với bạn bè. Do đó, từ sự tò mò về thế giới xung quanh có thể mang đến cho trẻ một cuộc sống xã hội phong phú hơn.
Óc tò mò giúp trẻ vượt qua sự lo lắng
Theo nhà nghiên cứu tâm lý học Todd Kashdan (Đại học George Mason), những đứa trẻ hay người trưởng thành tỏ ra quan tâm đến thế giới xung quanh, có trí tò mò cao thường có xu hướng thích nghi với những những điều mới lạ, với những thay đổi, và tránh nguy cơ xung đột trong các mối quan hệ. Điều này được thể hiện rõ ở công việc của các nhà thám hiểm. Họ luôn phải đối mặt với những thách thức hàng ngày, nhưng ít tỏ ra lo lắng. Lí do là họ biết cách coi cuộc sống là một nhiệm vụ thú vị để khám phá, học hỏi và phát triển, và họ coi sự không chắc chắn, sự thay đổi là một phần tất nhiên của cuộc sống.
Vì sao sự tò mò lại có sức ảnh hưởng lớn đến như vậy?
Các nhà khoa học đang nghiên cứu để giải thích sức mạnh của sự tò mò đối với hệ thần kinh của con người. Khát khao tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi thắc mắc có tác động lên não bộ, khiến chúng ta ghi nhớ câu trả lời lâu và rõ ràng hơn. Cụ thể, sự tò mò kích thích chúng ta mày mò nghiên cứu và tìm kiếm câu trả lời, điều này tác động lên vùng hồi hải mã – một vùng trung tâm bộ nhớ, giúp tăng sự hoạt động của cơ quan này và chuẩn bị cho việc lưu trữ thông tin. Nói cách khác, chúng ta càng tò mò muốn biết câu trả lời, thì sẽ càng ghi nhớ nó lâu và chính xác hơn.
Tuy nhiên, theo quy luật tự nhiên, khi trẻ lớn lên, sự tò mò háo hức về thế giới xung quanh không còn nhiều nữa. Vì vậy, nếu trí tò mò của trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách, bé sẽ dần ít quan tâm tới những điều xung quanh và không còn muốn tò mò khám phá những điều mới lạ nữa.
Nhà tâm lý học, tác giả và nhà nghiên cứu Scott Barry Kaufman cho biết: “Sự tò mò là điều tất yếu, nó đã có sẵn trong DNA của chúng ta…Trẻ em bẩm sinh đã hiếu kỳ về tất cả mọi thứ xung quanh”. Tuy nhiên, sự tò mò của bé về thế giới đều không giống nhau. Mỗi đứa trẻ đều có những sở thích đặc biệt và khuynh hướng tự nhiên riêng. Có bé sẽ thích thú với thế giới thiên nhiên, có bé đặc biệt yêu thích vận động, có bé lại thích lắp ráp những vật dụng. Vì vậy, bố mẹ hãy để trẻ làm theo sở thích của mình, và chỉ cung cấp những công cụ để trẻ phát triển trí tò mò theo đúng sở thích của bé, có thể là những quyển sách, những bộ dụng cụ thí nghiệm khoa học, hay đưa trẻ tới những workshop theo chủ đề. Hãy là những ông bố bà mẹ thông thái nhé!
Nguyễn Đào Thanh Nam
Nguồn hoptomo.vn