Con cái chúng ta là thế hệ đầu tiên lớn lên trong một thế giới công nghệ – khi mà mỗi người đều có ít nhất một thiết bị điện tử – điện thoại thông minh, máy tính bảng hay laptop,… Là bố mẹ, chúng ta muốn con cái mình tránh xa các thói nghiện điện thoại, game điện tử hoặc mạng xã hội để có cơ hội phát triển lành mạnh, toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.
Nhưng công nghệ cũng là thế giới mà con sẽ lớn lên, sẽ sống với khi trưởng thành. Công nghệ rõ ràng là một bước tiến của nhân loại, nơi mà những lợi ích và tính tiện dụng của nó không thể chối cãi: ví dụ, những lớp học online, hoặc các chương trình thiếu nhi nước ngoài giúp bé học Tiếng Anh thụ động,…
Điều quan trọng là tìm điểm cân bằng trong việc giáo dục và cho phép trẻ sử dụng các thiết bị điện tử. Câu hỏi quan trọng bố mẹ cần xác định là: “Sử dụng đồ điện tử nào? Vào thời gian nào? Để làm gì? Ở đâu? Và Tần suất như thế nào?”
Bố mẹ cần xác định là đây là bài toán cực kỳ nan giải, cần nhiều quyết tâm, công sức và thời gian để giữ bé tránh xa các thiết bị di động. Con cái chúng ta không chỉ tiếp xúc với bố mẹ. Xung quanh bé là thói quen sử dụng đồ điện tử từ họ hàng, bạn bè,… Khi bé đến tuổi đi học, và cần một thiết bị để liên lạc với bố mẹ ở nhà hay bạn bè, thầy cô sau giờ học, việc thay đổi thói quen trở nên khó hơn. Vì vậy, chìa khóa là hãy bắt đầu thói quen hạn chế sử dụng đồ điện tử càng sớm càng tốt!
Sau đây là một vài “chiến thuật” cho bố mẹ để bé nói “Không” với điện thoại:
1. Trẻ con làm theo những gì bạn làm, không phải những gì bạn nói
Để con không sử dụng điện thoại, hoặc xem ti vi quá nhiều, các bố mẹ cũng phải đồng hành cùng con, đặt các thiết bị điện tử sang một bên khi có mặt bé ở đó. Đây là việc khó khăn, đặc biệt là khi bố mẹ còn công việc bận rộn cần giải quyết. Nhưng nhiều bậc phụ huynh đã làm được, vì tương lai các con. Bố mẹ có thể tranh thủ giải quyết công việc tại công ty, và đặt mọi thứ đằng sau cánh cửa khi trở về nhà. Tránh mang việc về nhà cũng là cách hiệu quả để cân bằng giữa đời sống công việc và gia đình, giữa việc kiếm tiền và sức khỏe cá nhân. Khi dành thời gian với con, bố mẹ hãy đặt điện thoại sang một bên, chuyển sang chế độ im lặng và chỉ kiểm tra tin nhắn khi con đã ngủ.
2. Yêu cầu con giúp đỡ
Trẻ con sẽ rất vui lòng được giúp đỡ mọi người. Đặc biệt, trong mùa “Tết dài nhất lịch sử” này, công việc của bố mẹ tăng lên gấp đôi khi vừa phải làm việc tại nhà, vừa phải chăm sóc con cái và nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, thay vì phải chăm con, bố mẹ có thể biến con thành “đồng minh” và yêu cầu giúp đỡ, đối với những bé lớn trên 3 tuổi. Hướng dẫn bé tự dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong, tự lấy đồ ăn, thậm chí là rửa bát, quét nhà. Giữ cho con bận rộn là một cách để “đánh lạc hướng” khỏi đồ chơi điện tử đó.
3. Có thời gian giới hạn cho việc sử dụng thiết bị di động
Theo American Academy of Pediatrics, thời gian nhìn vào màn hình của trẻ em phù hợp với từng lứa tuổi như sau:
Đối với trẻ dưới 2 tuổi, TUYỆT ĐỐI KHÔNG được sử dụng các thiết bị điện tử.
Đối với trẻ từ 2 – 5 tuổi, bé có thể sử dụng các thiết bị điện tử chỉ cho việc xem các chương trình mang tính giáo dục chất lượng trong giới hạn 1 giờ.
Đối với trẻ trên 6 tuổi, cần có quy định thời gian phù hợp để bé hoàn thành các bài học ở trường, đồng thời đặc biệt cần chú ý đến các mạng xã hội bé chọn để sử dụng.
Thời gian trên chỉ mang tính chất tham khảo. Bố mẹ có thể tự thiết lập ra quy định riêng phù hợp với gia đình mình. Hãy làm chậm quá trình bé tiếp xúc với màn hình lâu nhất có thể. Hãy dành cả ngày dài mà không đụng đến các thiết bị.
Các thiết bị điện tử hiện nay có chế độ “Kid mode” – dành cho trẻ em với giao diện và các chương trình phù hợp với bé. Ngoài ra YouTube cũng có chế độ dành riêng cho trẻ em và quy định các video theo độ tuổi để bảo vệ người dùng nhỏ tuổi. Bố mẹ hãy tìm hiểu thật kỹ nhé. Đối với trẻ con, video có thể cần được lựa chọn kỹ lưỡng từ bố mẹ, và thời gian xem không quá 20 phút/ ngày. Hạn chế việc tự động phát video hoặc những nội dung chỉ giải trí mà không mang tính giáo dục.
4. Tạo ra một “Thế giới thật” lành mạnh, sinh động và hấp dẫn hơn Thế giới “ảo”
Trẻ con bị thu hút bởi đồ điện tử bởi đặc tính hấp dẫn của nó. Để các con lựa chọn cuộc sống ngoài đời thật, bố mẹ cần chuẩn bị một thế giới nhiều niềm vui và những điều tích cực. Bố mẹ có thể dạy bé học đánh vần bằng hành động hoặc cùng bé “bày trò” hát, múa tại nhà. Đọc sách cho trẻ trước khi đi ngủ cũng là một cách hiệu quả để bé có một giấc ngủ ngon.
Ngoài ra, Hộp Tò Mò với phương pháp giáo dục STEAM (Science – Technology – Engineering – Art – Mathematics) để bố mẹ có thể gắn kết và đồng hành cùng con vừa chơi vừa học, phát triển tư duy logic và sáng tạo sẵn sàng cho kỷ nguyên 4.0. Nhiều bố mẹ chia sẻ, chiếc điện thoại “ghét” Hộp Tò Mò vì từ ngày có Hộp Tò Mò được giao định kỳ hàng tháng, các bé chẳng còn quan tâm đoái hoài gì đến điện thoại cả. Những trò chơi trong Hộp Tò Mò vừa mang tính giáo dục bé kiến thức liên ngành, phát triển khả năng giải quyết vấn đề phức tạp cũng như khả năng khéo léo, sáng tạo.
5. Dành cho con tình yêu và sự quan tâm đầy đủ
Các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng nguồn gốc của các chứng nghiện – nghiện game, nghiện rượu bia, thuốc lá, nghiện đồ ngọt,… đều xuất phát từ việc thiếu thốn tình cảm và sự quan tâm. Con người là sinh vật được nuôi dưỡng bằng tình thương yêu – đặc biệt là vào những năm đầu đời. Một em bé sơ sinh có thể tắt thở nếu không được tiếp xúc với cái ôm ấp của người mẹ. Cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn là nguyên nhân khiến thế hệ trẻ lớn lên và không nhận được sự quan tâm đầy đủ từ bố mẹ. Chúng phải tìm đến một thế giới sau màn hình nhỏ để lấp đầy khoảng trống bên trong.
Bố mẹ hãy dành thời gian chất lượng cho gia đình, cho các con để trẻ phát triển các phẩm chất yêu thương vô điều kiện, sự tử tế và lòng vị tha. Hãy tập trung hoàn toàn khi bé phát biểu ý kiến. Hãy ôm con và nói bố mẹ thương con nhiều như thế nào. Hãy động viên và khen ngợi bé những điều con làm tốt. Hãy nói chuyện mang tính xây dựng, chứ không sử dụng bạo lực ngôn từ hoặc hành động, khi con mắc lỗi.
Mọi đứa trẻ đều yêu thương bố mẹ vô điều kiện. Và mọi đứa trẻ đều cần nhận lại tình yêu thương vô điều kiện tỉnh thức từ bố mẹ. Đừng yêu con vì con làm tốt, hoặc khi bé dễ chịu, dễ thương. Hãy thương con ngay cả khi con phạm sai lầm, hay khó chịu.
Chúc bố mẹ thành công!
Nguyễn Đào Thanh Nam
Nguồn hoptomo.vn