Có bao giờ, bạn tự hỏi rằng, mình đã nuôi dạy con đúng cách chưa? Bài viết này, Kid Town sẽ mách bạn một số kinh nghiệm dạy con đúng cách, đúng thời điểm để trẻ lớn lên thông minh, khỏe mạnh, ngoan ngoãn mà bạn không cần quát tháo, la mắng, nước mắt.
1. NUÔI DẠY CON ĐÚNG CÁCH LÀ “CHO ROI CHO VỌT” HAY “CHO NGỌT CHO BÙI”?
Nuôi dạy con luôn là đề tài muôn thuở của bất kỳ bậc cha mẹ nào. Một số cha mẹ cảm thấy nuôi dạy con như một cuộc chiến, cũng có một số cha mẹ lại nhàn tênh. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào cách thức dạy con của mỗi gia đình. Có hai phương thức nuôi dạy con phổ biến trong đại đa số gia đình Việt đó chính là dùng roi vọt, quát tháo hoặc luôn yêu chiều, dỗ dành con.
1.1 Thương “cho roi cho vọt”?
Nhiều bố mẹ tin rằng dùng “kỷ luật thép” là một kinh nghiệm dạy con hữu hiệu, khiến con răm rắp nghe lời. Con biếng ăn, quấy khóc hay bất kỳ lỗi nào đều chịu hình phạt đòn roi. Đòn roi có thể mang lại hiệu quả tức thì nhưng không thay đổi được bản chất vấn đề. Những trận đòn roi liên tục khiến trẻ trở nên “lì đòn’, thậm chí, hình thành tâm lý phản kháng ở trẻ. Nhiều bằng chứng khoa học cũng chỉ ra rằng, trẻ có xu hướng dễ gây hấn, bắt nạt người khác nhiều hơn nếu từng chịu nhiều đòn roi ở nhà. Nguy hại hơn, đòn roi ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ, trẻ sẽ luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi ngay trong chính ngôi nhà của mình.
1.2 Thương “cho ngọt cho bùi”?
Khác với việc dùng đòn roi, một số bố mẹ khác lại nuôi dạy con bằng cách “chiều con lên tận mây xanh”. Con biếng ăn sẽ được dỗ dành bằng những lời hứa hẹn dẫn đi chơi, mua quà. Con đánh nhau với bạn, không lễ phép với người lớn sẽ được bỏ qua bằng lí lẽ “con còn nhỏ chưa biết gì”,… Một đứa trẻ luôn được chiều chuộng sẽ hình thành ý nghĩ rằng tất cả mọi người đều phải nghe theo ý mình. Lâu dài, trẻ sẽ đánh mất những kỹ năng sống cần thiết, không thể hòa nhập cùng mọi người.
Như vậy, dù “cho roi cho vọt” hay “cho ngọt cho bùi” đều chưa phải nuôi dạy con đúng cách. Đã đến lúc các ông bố bà mẹ cần “thay máu” tư duy nuôi con, tìm hiểu và áp dụng các cách nuôi dạy con khoa học.
2. NUÔI DẠY CON ĐÚNG CÁCH THEO TỪNG GIAI ĐOẠN
Có rất nhiều phương pháp nuôi dạy trẻ từ 0 đến 6 tuổi và bạn nên lưu ý rằng mỗi độ tuổi, trẻ sẽ có sự phát triển khác nhau cả về thể chất lẫn tinh thần. Vậy nên, nuôi con đúng cách trước hết phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý ở từng giai đoạn phát triển của bé.
2.1 Với trẻ dưới 1 tuổi
Nếu bạn nghĩ rằng trẻ dưới 1 tuổi chưa hiểu gì thì có lẽ bạn đã nhầm rồi đấy! Đương nhiên, một em bé dưới 1 tuổi chưa biết điều gì đúng và sai nhưng thông qua ánh mắt, giọng điệu, hành động của bố mẹ, bé sẽ cảm nhận được. Tiến sĩ Martin J. Drell (Hàn lâm Viện Mỹ về tâm lý trẻ nhỏ và vị thành niên – AACAP) mách bố mẹ một số cách nuôi dạy trẻ dưới 1 tuổi như sau:
– Nghiêm giọng thay vì la mắng: Khi bé phạm lỗi, bạn hãy nói nói chuyện với con bằng thái độ nghiêm nghị, nhìn thẳng vào mắt con khi nói chuyện. Ánh mắt và giọng điệu của bạn sẽ giúp bé tập trung lắng nghe và cảm nhận được lỗi của mình.
– Hướng dẫn trẻ cụ thể: Đây cũng là một cách nuôi dạy con dưới 1 tuổi rất quan trọng. Ở tuổi này, ngôn ngữ của bé chưa hoàn chỉnh nên rất khó hiểu hết những gì mẹ nói. Nếu bạn muốn con tự cất đồ chơi, thay vì chỉ nói suông “Con hãy cất đồ chơi đi”, bạn nên nói cụ thể hơn “Con hãy cất quả bóng màu xanh vào giỏ đi” và bạn làm để bé nhìn thấy, ghi nhớ, học hỏi.
– Đừng vội mềm lòng trước đôi mắt ngấn nước của con: Tâm lý chung của các bà mẹ đó là sau khi la con, nhìn đôi mắt ngân ngấn nước của con đã mềm lòng ngay, vội vàng ôm con dỗ dành. Và điều này sẽ phá hủy hết “công cuộc” dạy dỗ trước đó. Đừng vội mềm lòng, hãy để trẻ tự suy nghĩ 5 phút rồi hẵng quay sang dỗ dành bé, đó cũng là một mẹo nuôi dạy con đúng cách.
2.2 Với trẻ 1 – 3 tuổi:
Trẻ từ 1 – 3 tuổi bắt đầu tập đi, tập nói, đưa tay sờ nắm bất cứ vật gì xung quanh, đôi mắt khám phá những phạm vi xa hơn. Trẻ có xu hướng bắt chước lời nói, hành động từ bố mẹ, vậy nên, trước hết, bố mẹ hãy là một tấm gương tốt.
Bên cạnh đó, bạn trò chuyện, kể chuyện cho bé nghe nhiều hơn vì đây là lúc hệ thống từ vựng, ngữ pháp của bé dần hoàn thiện. Nếu có thể, hãy khuyến khích con tự kể những câu chuyện của mình để bé phát triển khả năng ngôn ngữ.
2.3 Với trẻ 3 – 6 tuổi:
Từ độ tuổi này, khả năng tiếp nhận xử lý thông tin của bé đang dần hoàn thiện, bé có thể nói nhiều hơn và hiểu được những gì bố mẹ nói. Nhưng để trẻ ghi nhớ hoàn toàn, bố mẹ vẫn phải lặp đi lặp lại các quy định, sẵn sàng giải thích lại cho con những điều từng nói.
Với trẻ từ 3 tuổi, bạn có thể áp dụng một vài hình phạt nhưng không nhất định phải là đòn roi, có thể phạt con bằng cách cho con ngồi ở một góc kèm theo lí do, ví dụ: “Con sẽ chịu phạt ngồi ở đây 3 phút vì đã đánh bạn.”. Nuôi dạy con đúng cách trong giai đoạn này là khuyến khích con nói những khó chịu: “Vì sao con lại làm như vậy?, “Con đã biết con sai ở đâu chưa?”… Sự lắng nghe con nói sẽ mang đến những cảm nhận tích cực ở trẻ.
3. 4 NGUYÊN TẮC “NẰM LÒNG” ĐỂ NUÔI DẠY CON ĐÚNG CÁCH
3.1 Tôn trọng cảm xúc của con
Trẻ em cũng có những cảm xúc vui, buồn, hờn, giận của riêng mình nhưng lại không đủ khả năng ngôn ngữ để diễn đạt ra như người lớn. Bố mẹ cần tôn trọng tất cả các cảm xúc và chia sẻ với con, kể cả khi cảm xúc đó chưa đúng (con giận dỗi dù con sai). Các phương pháp nuôi dạy trẻ từ 0 đến 6 tuổi hiện nay đều rất chú trọng nguyên tắc này bởi nó giúp mối liên kết, sự tin tưởng giữa bố mẹ và con cái bền chặt hơn, con sẵn sàng chia sẻ những vấn đề mình đang gặp phải.
3.2 Phê bình và khoan dung đúng lúc, đúng việc
Khi con mắc lỗi, đừng dùng những lí lẽ “Trẻ con mà, có biết gì đâu” hay “Trẻ con có hiểu gì đâu” để bao biện. Bạn cần nhắc nhở con nhẹ nhàng, khéo léo để trẻ tự nhận ra lỗi lầm mình mà không bị tổn thương.
Cùng với đó, bạn cũng nên học cách khoan dung vô điều kiện, khi con mắc những lỗi nhỏ, tránh dẫn đến những căng thẳng không đáng có.
3.3 Tăng cường sự độc lập ở con
Nuôi dạy con đúng cách không phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, thay vào đó, bạn nên tăng cường sự độc lập ở con, bắt đầu từ những việc rất nhỏ như tự xúc cơm, tự xếp quần áo, cất đồ chơi, vệ sinh cá nhân,… Chính điều này sẽ là nền tảng để bé lớn lên tự tin, bản lĩnh, dễ dàng hòa nhập với mọi người.
3.4 Đặt ra giới hạn hợp lý
Bố mẹ nên đặt ra các giới hạn hợp lý với độ tuổi của bé và cho trẻ làm quen dần và bố mẹ hãy kiên định với các giới hạn đó. Ví dụ, bạn đặt ra giới hạn “Con có 1 tiếng đồng hồ để xem tivi” và hết một tiếng, trẻ gào khóc đòi xem tiếp, lúc này, bạn không nên thỏa hiệp, càng không nên quát mắng. “Mẹ biết rằng con rất thích xem tivi nhưng bây giờ đã đến lúc con phải đi ngủ,…”, cách nói này vừa thể hiện sự cảm thông với mong muốn của bé vừa thể hiện sự kiên định với giới hạn mình đã đặt ra. Lâu dần, não bộ của bé sẽ nhận ra được điều gì nên và không nên.
Kid Town hy vọng rằng, thông qua bài viết này, các ông bố bà mẹ đã có thêm nhiều kinh nghiệm dạy con đúng cách, để nuôi con không còn là cuộc chiến vất vả, con lớn lên thông minh, khỏe mạnh, ngoan ngoãn mà bố mẹ vẫn nhàn tênh.
Theo kidtown.edu.vn