Ngay trước khi bắt đầu hình thành trí nhớ, trẻ đã học hỏi về các động lực trong mối quan hệ giúp làm phong phú thêm cuộc sống của mình.
Hãy xem xét hình ảnh của một bà mẹ đang bồng một đứa trẻ sơ sinh. Đôi mắt của người mẹ và của đứa bé đều đong đầy hạnh phúc. Sau đó, đứa bé nhìn ra xa – một trong những hình thức sớm nhất của việc khám phá. Sau khoảng 5 giây – khoảng thời gian lý tưởng nhất – đứa bé sẽ tự đưa mắt về vị trí cũ. Nhưng một số cha mẹ, được cho là “hay lo lắng”, sẽ can thiệp và kêu gọi sự chú ý của bé trở lại – việc này đã gửi cho đứa bé thông điệp, này con ơi, mẹ đây này. “Đến lúc được 12 tháng tuổi, bé sẽ học được điều gì làm cho cha/mẹ lo lắng,” Kent Hoffman, đồng tác giả quyển Raising a Secure Child và là nhà tâm lý trị liệu với hơn 40 năm kinh nghiệm, cho biết.
Nếu cha/mẹ khó tự chủ trong việc cho phép trẻ tự khám phá thế giới thì trẻ cũng sẽ khó tự chủ, cảm thấy buộc phải luôn dính chặt với cha/mẹ. Nếu người chăm sóc thường cảm thấy lo lắng về khả năng hỗ trợ trẻ – ví dụ, có mặt khi trẻ xúc động mạnh – thì đến lúc trẻ được 1 tuổi, trước khi hiểu được ngôn ngữ, trẻ đã học được rằng mình không cần tìm đến người chăm sóc khi muốn được xoa dịu những cảm xúc khó chịu.

Vấn đề của trẻ là các em sẽ trở thành người lớn. Và vấn đề của người lớn là chắc chắc họ sẽ yêu một ai đó. Khi họ thật sự bắt đầu bước vào các mối quan hệ tình cảm, thông thường họ sẽ tìm lại các động lực đã chi phối những trải nghiệm đầu tiên của họ với tình yêu – cha mẹ họ. Nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 50-60% người Mỹ có “sự gắn bó an toàn”, nghĩa là khi còn bé, họ cảm thấy hơi lo lắng khi cha/mẹ rời đi nhưng có thể tự xoay xở được, vì biết rằng cha/mẹ sẽ quay lại. Điều đó có nghĩa là 40% còn lại thường vô thức lo lắng về các mối quan hệ khi trưởng thành – họ nhạy cảm với sự ngăn cách (luôn cần cảm giác được ở càng gần người yêu càng tốt) hoặc dễ bị tổn thương (cảm thấy hoảng sợ bởi những cảm xúc và những biểu hiện cảm xúc đi cùng các mối quan hệ thân mật).
Đây là một trong những khám phá cơ bản và có lẽ có ích cho cá nhân nhiều nhất trong truyền thống tâm lý phương Tây. Nhà tâm lý trị liệu Louis Cozolino miêu tả đây là “quá trình mà qua đó bộ não tạo ra và sắp xếp thế giới xung quanh ta.” Về cơ bản, khi những điều đang diễn ra trong một tình huống không rõ ràng, não của bạn sẽ tạo ra một cấu trúc và thể hiện cấu trúc này ra bên ngoài, cung cấp một khuôn khổ cho sự hiểu. Nó giống như những hố đen, Cozolino nói với tạp chí khoa học Science of Us: “Chưa ai từng nhìn thấy một hố đen, ta chỉ có thể đo lường lực của nó,” ông nói. “Tiềm thức cũng vậy, ta không thể trực tiếp nhìn thấy nó, nhưng ta có thể nhìn cách mọi người làm méo mó hiện thực của họ.” Đây là lý do vì sao mà khi đủ điều kiện thì mọi người sẽ chồng chéo những trải nghiệm về tình yêu thương thời thơ ấu (bất kể đã có hay chưa có trải nghiệm đó) với những mối quan hệ của mình khi đã trưởng thành.
Hình thức gắn bó giữa cha mẹ với trẻ ảnh hưởng đến đời sống tình cảm của trẻ khi trưởng thành.
Tính khí, hay những thành phần cơ bản của tính cách, đóng vai trò rất quan trọng. Như nhà tâm lý học Rebecca Shiner thuộc Đại học Colgate đã phát biểu trên tờ Science of Us, một số đứa trẻ có “tính đa cảm tiêu cực” hơn, nhạy cảm hơn với những mối đe dọa trong môi trường, và sẽ biểu hiện qua khuynh hướng lo lắng, trầm tư hoặc tức giận khi đã trưởng thành. Nhiều khả năng trẻ sẽ né tránh những hoàn cảnh mới lạ, như gặp gỡ bạn mới, hoặc tức giận với những tình huống gây khó chịu, chẳng hạn như bị mắc kẹt trên ghế ngồi trong ô-tô.
“Việc làm cha mẹ càng khó khăn hơn nếu đứa trẻ dễ có những cảm xúc tiêu cực,” Shiner, cũng là đồng tác giả quyển Handbook of Temperament, cho biết. Bà trích dẫn một nghiên cứu quan trọng năm 1994 trong đó 100 em bé 6 tháng tuổi được chọn để nghiên cứu tính dễ cáu gắt. Những bà mẹ trong nhóm thử nghiệm được huấn luyện để cải thiện khả năng “giám sát những dấu hiệu của trẻ một cách chăm chú, hiểu chính xác các tín hiệu của trẻ và phản ứng một cách phù hợp tùy theo tình huống.” Những bà mẹ trong nhóm đối chứng thì không được huấn luyện như thế. Lúc 12 tháng tuổi, chỉ 28% những em bé trong nhóm đối chứng được đánh giá là không dễ cáu gắt, so với 62% trong nhóm can thiệp.
Theo Hoffman, đồng tác giả quyển Raising a Secure Child, những đứa trẻ nhạy cảm thất thường cần nhiều sự hỗ trợ để “sắp xếp lại các cảm xúc của mình”: một người nào đó có thể để trẻ ngồi vào lòng họ và nói, “Đây là lúc mà con buồn bã, sợ hãi, tức giận, và cha/mẹ sẽ giúp con nói ra điều đó.” Trẻ cũng cần thấy rằng những cảm xúc hay sự bốc đồng của mình sẽ không ảnh hưởng đến cha/mẹ. Bé cần biết người chăm sóc không e ngại tính đa cảm của mình, và người chăm sóc cần cho thấy họ sẽ không thấy sợ nếu trẻ giận dữ. Vấn đề chủ yếu là phải hiểu và tin tưởng rằng có một người chịu trách nhiệm cho mối quan hệ này, ông nói, và đồng thời cho thấy rằng những cảm xúc của trẻ sẽ không ảnh hưởng đến gia đình. “Hãy thể hiện sự dịu dàng,” ông khuyên, “nhưng hãy đưa ra những giới hạn trong cuộc sống.”
Khi trẻ được khoảng 14 tháng tuổi và đang chơi một món đồ chơi, cha/mẹ sẽ không hỏi trẻ về những gì trẻ đang chơi. “Cha mẹ có hình thức gắn bó an toàn không can thiệp nhưng luôn chú ý đến trẻ,” ông nhận định. Cha/mẹ có mặt bên bé trong khoảng thời gian 2 hoặc 5 phút, rồi sau đó họ đi làm công việc của mình. Họ sẽ không cản trở bé, nhưng cũng không bị điện thoại làm phân tâm – họ hoàn toàn hiện diện bên bé. Hoffman nói nếu bạn nghiên cứu những đoạn phim của những cuộc tương tác này, bạn sẽ phát hiện ra các xu hướng của trẻ: Nếu một đứa bé 2 tuổi đang chơi, cứ khoảng mỗi 6 giây bé sẽ nhìn lại và xem liệu người chăm sóc có luôn ở đó hay không, có thật sự đem lại cảm giác hiện diện về mặt tâm lý hay không. Nếu người cha/mẹ nghĩ công việc chăm trẻ của họ đã xong và lấy điện thoại ra rồi bắt đầu lướt Instagram, điều đó sẽ khiến đứa trẻ hiểu rằng mình cần ở ngay bên cạnh cha mẹ thì mới làm cho cha mẹ chú ý đến mình.
Làm cha mẹ, bí quyết là đừng “vướng vào nỗi lo ‘Chao ôi, mình không sao rồi’ hoặc ‘Ôi không, mình tiêu tùng rồi,’” Hoffman đã viết trong một email. “Đó không phải là một cuộc xét nghiệm máu cho biết bạn không bị ung thư hay đang trong cơn nguy kịch.” Vấn đề quan trọng không phải là trở nên hoàn hảo, mà là việc trở nên đủ tốt. Và trẻ con, giống như những miếng bọt biển nhỏ biết thấu cảm, có thể chú ý đến sự lo lắng của cha mẹ về việc trở nên hoàn hảo. “Trẻ em có thể rất tinh tế; các em thích cha mẹ mình mắc sai lầm và có thể cởi mở với việc khắc phục hơn rất nhiều so với khi cha mẹ làm mọi thứ có thể để không bao giờ mắc sai lầm,” ông cho biết thêm. “Làm rạn nứt và sửa chữa một mối quan hệ” thì có giá trị hơn là lúc nào cũng tỏ ra hoàn hảo nhưng lại có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào. Nếu sự không hoàn hảo được bình thường hóa, thì những mâu thuẫn sẽ “được chấp nhận,” Hoffman nói, và việc sửa chữa sẽ có điều kiện xảy ra.
Mặt khác, nếu bạn là một trong hàng triệu người trên trái đất không có may mắn lớn lên trong sự gắn bó an toàn, thì bạn cũng không nhất thiết phải bị ám ảnh với những nhu cầu không được thỏa mãn thời thơ ấu và thèm khát sự bù đắp từ mọi mối quan hệ của mình. Nếu bạn biết cách trở thành người chăm sóc cho chính mình – sắp xếp các cảm xúc của bạn thông qua những việc như viết nhật ký, suy ngẫm, đối xử tốt với bản thân một cách có ý thức và “rèn luyện sự tự chủ” thay vì nằng nặc đòi những người thân yêu phải nhắn tin cho bạn một ngày 4 lần – thì qua thời gian, bạn có thể đạt đến một trong những giai đoạn tự tin hơn về mặt tâm lý: có được sự an toàn. “Bạn không cần phải có một tuổi thơ gắn bó an toàn mới có một cuộc sống an toàn khi trưởng thành,” Hoffman khẳng định. “Nhưng bạn phải có một bản kế hoạch chi tiết.”
Tác giả: Drake Baer
Nguồn: ubrand.cool