Trí nhớ là một nên tảng quan trọng của bộ não, hỗ trợ rất nhiều trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Đối với trẻ em, kể từ khi sinh ra, não bộ của trẻ phát triển rất nhanh song song với sự phát triển của trí nhớ, của khả năng ghi nhớ.
Vì vậy, để trí nhớ của trẻ được phát triển tốt nhất, thuận lợi nhất, các bậc cha mẹ nên rèn luyện trí nhớ cho trẻ. Bài viết sau đây xin hướng dẫn cách luyện tập trí nhớ cho trẻ theo từng giai đoạn cụ thể.
Nên rèn luyện trí nhớ cho trẻ hàng ngày
1. Giai đoạn sơ sinh
Khi trẻ mới sinh ra đời, não bộ của trẻ đã chứa hơn 100 tỷ tế bào nơ-ron. Trong đó, số lượng nơ-ron ở vỏ đại não là 14 tỷ tế bào. Sau 1 đến 2 tuần tuổi là trẻ đã có thể nhận diện được gương mặt bố mẹ, đồng thời khả năng cảm nhận mùi vị và âm thanh của trẻ rất tốt. Trẻ sẽ dễ dàng nhận biết được mùi vị của sữa mẹ và có phản xạ bú tự nhiên.
Phương pháp rèn luyện trí nhớ giai đoạn này là người mẹ nên thường xuyên nói chuyện với trẻ và ôm ấp trẻ trong lòng. Điều này không những thắt chặt thêm tình mẹ con mà còn giúp trẻ nhớ gương mặt mẹ, hơi ấm của mẹ vững bền hơn.
Trí nhớ của trẻ được hình thành từ giai đoạn sơ sinh
2. Giai đoạn nhũ nhi
Là giai đoạn trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn từ 1 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, não bộ của trẻ không ngừng tăng trưởng về trọng lượng và chức năng. Trí nhớ của trẻ theo đó cũng phát triển mạnh mẽ. Nếu được rèn luyện và củng cố tốt thì trẻ sẽ nhớ lâu, tạo bước khởi điểm vững chắc cho tương lai sau này.
Đặc điểm trí nhớ của trẻ trong giai đoạn này là trẻ dễ nhớ người quen, sự vật mới diễn ra nhưng lại nhanh chóng quên đi trong ngày nếu không được tiếp xúc. Vì vậy, để rèn luyện trí nhớ cho trẻ trong giai đoạn này, bố mẹ cần tập trung tinh thần cho trẻ chú ý vào những sự vật, những người thân quen. Luôn ở gần bên trẻ, dành thời gian trò chuyện với trẻ. Đồng thời, có thể tạo trò chơi nho nhỏ cho trẻ, ưu tiên chọn những trò chơi có nhiều màu sắc, trò chơi phát ra âm thanh để kích thích sự ghi nhớ của trẻ. Nếu trong giai đoạn này, trí nhớ của trẻ phát triển tốt thì trẻ có thể nhớ được sự vật, sự việc của mười lăm đến mười sáu ngày trước, nhớ được cách chơi các trò chơi rất dễ dàng.
Trải nghiệm được lặp lại sẽ giúp trẻ ghi nhớ lâu
3. Giai đoạn răng sữa
Giai đoạn này kéo dài từ khi trẻ được 6 tháng tuổi đến 6 tuổi. Lúc này, não bộ của trẻ đã phát triển đến trọng lượng gần bằng người lớn. Tuy nhiên, về chất lượng thì bộ não vẫn tiếp tục phát triển nhanh và mạnh. Trẻ sẽ tiếp tục ghi nhận những thông tin mới, có khả năng tái hiện những thông tin cũ, những gì đã học hỏi. Đồng thời phát triển thêm nhiều kỹ năng như phân tích, quan sát, tổng hợp, so sánh, tư duy,…
Để rèn luyện trí nhớ cho trẻ trong giai đoạn này, bố mẹ cần tập cho trẻ nói, tập nhận diện người quen, chơi những trò chơi ghi nhớ màu sắc, hình ảnh,… Đặc biệt, đây là giai đoạn trẻ học mẫu giáo nên bố mẹ cần đưa trẻ đi học để trẻ mở mang kiến thức, ghi nhớ những chữ cái, những con số đơn giản, nhớ bạn bè, thầy cô,…
4. Những yếu tố ảnh hưởng đến não bộ của trẻ trong sự hình thành trí nhớ
Trí nhớ được hình thành trong não bộ của trẻ từ khi sinh ra và được quyết định chủ yếu bởi lượng chất xám trong hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, không phải trẻ nào có lượng chất xám càng cao thì nhớ càng lâu mà còn phụ thuộc vào một số yếu tố quan trọng không kém bao gồm: sự rèn luyện, dinh dưỡng, tình thương yêu của bố mẹ dành cho trẻ, sức đề kháng của trẻ, tâm lý của trẻ,…
Dinh dưỡng ảnh hưởng không nhỏ đến trí nhớ của trẻ
Trẻ em là thế hệ tương lai đầy triển vọng của gia đình, của xã hội. Vì vậy, sự phát triển của trẻ cần được chú trọng, quan tâm. Trong đó, vấn đề trí nhớ của trẻ góp phần rất lớn vào trình độ học vấn, khả năng học hỏi và sự thành công của trẻ sau này. Nắm được những cách rèn luyện trí nhớ cho trẻ kể từ khi sinh ra và vận dụng phù hợp là các bậc cha mẹ đã góp phần không nhỏ trong việc nuôi dưỡng những nhân tài của tương lai.
Theo betuduy.vn