Trí tuệ cảm xúc – chỉ số EQ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, là tiền đề giúp bé xây dựng mối quan hệ bền vững và là nền tảng thành công trong cuộc sống.
Cùng với chỉ số IQ về tư duy, cha mẹ nên chú trọng trau dồi những kĩ năng mềm thuộc về trí tuệ cảm xúc – chỉ số EQ để con có sự phát triển toàn diện.
Vậy trí tuệ cảm xúc là gì? Trí tuệ cảm xúc là khả năng cảm nhận, kiểm soát và bày tỏ cảm xúc với mọi người xung quanh.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trí tuệ cảm xúc ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của các con, nền tảng của thành công và xây dựng mối quan hệ bền vững. Hơn thế, chỉ số EQ còn có tác động tích cực đến việc cải thiện hành vi và tạo tâm thế lạc quan, vui vẻ cho trẻ.
Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết con bạn đang phát triển tốt chỉ số cảm xúc:
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trí tuệ cảm xúc ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của các con (Ảnh minh họa).
1. Con hiểu rõ cảm xúc của bản thân
Khi một đứa trẻ bắt đầu nhận thức và miêu tả được cảm xúc của bản thân thì đó chính là bước đầu tiên hình thành trí tuệ cảm xúc của con. Ban đầu, cách biểu đạt của trẻ có thể chỉ với vài từ đơn giản như “con buồn”, và bị giới hạn với một số từ miêu tả cảm xúc cơ bản. Tuy nhiên, từng bước con sẽ dần hoàn thiện mình và có khả năng diễn tả cảm xúc phức tạp hơn khi trưởng thành.
2. Nhận biết được cảm xúc của người khác
Khi trẻ hiểu được cảm xúc của bản thân, qua thời gian các con cũng sẽ bắt đầu nhận biết và phản ứng lại cảm xúc của mọi người xung quanh như gia đình, bạn bè…
Con bắt đầu quan sát để tìm hiểu cảm xúc của mọi người (Ảnh minh họa).
3. Tự điều chỉnh hành vi
Đến một thời điểm nhất định trẻ tự nhận thức được hành vi của mình ảnh hưởng như thế nào đến cảm xúc và suy nghĩ của mọi người xung quanh. Chẳng hạn như nếu con bỏ bữa tối thì mẹ sẽ buồn lòng, nếu con đánh bạn trong lớp sẽ làm bạn tổn thương… Những đứa trẻ với chỉ số EQ cao có khả năng kiểm soát được hành vi và giảm thiểu khả năng khiến người xung quanh khó chịu, phiền lòng.
4. Hóa thân và diễn tả cảm xúc của nhân vật trong các trò chơi
Con xứng đáng được khen ngợi khi có khả năng diễn tả tâm trạng trong các trò chơi hóa thân (Ảnh minh họa).
Nếu con bạn trò chuyện hoặc biểu đạt tâm trạng, cảm xúc trong các trò chơi sáng tạo thì bạn có thể yên tâm rằng các con đang phát triển rất tốt. Con xứng đáng được khen ngợi khi có khả năng diễn tả tâm trạng trong các trò chơi hóa thân. Ví dụ như con thể hiện khuôn mặt tức giận của khách hàng khi phải chờ đợi quá lâu trong cửa hàng; hay bệnh nhân vô cùng hạnh phúc sau khi được bác sĩ chữa trị khỏi bệnh.
5. Lý giải cảm xúc một cách rõ ràng
Khi con hình thành nhận thức về mọi thứ, thông qua những trải nghiệm mà con tích lũy được từ phim ảnh, những câu chuyện kể và những người xung quanh, các con có thể bắt đầu biết cách thể hiện cảm xúc trước những sự kiện, vấn đề trong cuộc sống. Con sẽ cảm thấy lo lắng, bối rối khi bắt đầu học dưới ngôi trường mới, hoặc con biết ganh tị khi thua kém bạn bè trong lớp.
6. Thể hiện lòng tốt với người cần giúp đỡ
Ngoài việc hiểu được cảm xúc của mọi người, những đứa trẻ với chỉ số EQ cao sẽ luôn cố gắng làm điều khiến mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn. Con sẽ đến bên an ủi bạn bè nếu bạn bị ngã, hoặc nếu ông bà bị ốm, con tìm cách quan tâm, tặng quà để ông bà cảm thấy vui vẻ hơn.
Chia sẻ với những người cần giúp đỡ (Ảnh minh họa).
7. Đóng vai trò người hòa giải trong quan hệ bạn bè
Nỗ lực giải quyết vấn đề giữa những người bạn là một kĩ năng mà con thể hiện rất tốt. Con có thể đóng vai trò người hòa giải trung gian cho những khúc mắc của bạn bè. Để làm được điều này, không chỉ bằng lời nói, trẻ cần có khả năng cảm thông, chia sẻ với những người xung quanh. Chưa hẳn là một sứ giả hòa bình của Liên hợp quốc nhưng con hoàn toàn có thể là 1 sứ giả hòa bình của những người bạn.
Luôn là người hòa giải cho những người bạn của mình (Ảnh minh họa).
8. Điều khiển cảm xúc của mọi người
Sự thật là việc có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao cũng sẽ tồn tại mặt trái. Trẻ mong muốn tìm hiểu về những người xung quanh và bắt đầu cố gắng thay đổi cảm xúc của họ. Tuy nhiên hãy chú ý những hành động của trẻ vì sẽ đến mức độ con bắt đầu muốn điều khiển cảm xúc, suy nghĩ của người khác.
Nguồn: mums
Theo afamily.vn