Ông cha ta có câu “Có công mài sắt có ngày nên kim” như một lời khuyên răn chúng ta chỉ có thể đạt đỉnh cao thành công chỉ khi chúng ta thật sự nỗ lực và kiên trì tới cùng. Và nếu bố mẹ muốn trẻ sớm đạt được điều ấy thì rất nên ươm mầm và dạy con tính kiên trì ngay từ bây giờ.
Đức tính kiên trì – phẩm chất đáng quý của người thành công
Không chỉ đối với trẻ nhỏ, ngay cả người lớn cũng cần phải rèn đức tính kiên trì dù đó là ai, ngành nghề gì, địa vị xã hội gì. Song kiên trì nhẫn nại không phải tự nhiên được sinh ra phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài và liên tục trau dồi chính mình.
Nhờ có đức tính kiên trì, con sẽ:
– Có khả năng lắng nghe chọn lọc thông tin của đối phương, dù đó là bạn bè, thầy cô hay phụ huynh.
– Có khả năng quan sát tốt hơn, khả năng chịu đựng những sai lầm của người khác cũng tốt hơn.
– Sớm tạo dựng được các mối quan hệ xã hội chất lượng như nhiều bạn tốt, thầy cô tín nhiệm tin tưởng,…
– Con sớm chấp nhận những “bài học thất bại”, nỗ lực cố gắng và theo đuổi mục tiêu đến cùng. Đây là một trong những phẩm chất rất đáng được khuyến khích!
– Đưa ra những quyết định sáng suốt hơn do con có đủ thời gian để phân tích sâu vấn đề.
– Giảm căng thẳng lo lắng không cần thiết.
Sẽ là không ngoa khi nói rèn được tính kiên trì cho con tức là rèn được chữ Nhẫn: kiên nhẫn, tĩnh tâm, bình thản. Một đứa trẻ được rèn luyện đức tính này từ nhỏ sẽ càng sớm hoàn thiện bản thân và đạt được nhiều thành công đáng ngưỡng mộ trong tương lai.
Vậy làm thế nào để có thể dạy con tính kiên trì, khi mà khả năng đáp ứng của xã hội đang ngày càng nhanh chóng tiện lợi?
Bố mẹ tham khảo ngay 5 phương pháp hiệu quả sau để rèn tính kiên trì nhẫn nại cho con.
5 phương pháp dạy con tính kiên trì có thể áp dụng ngay
1. Hạn chế trẻ tiếp xúc với điện thoại và các thiết bị điện tử quá lâu
Điện thoại, TV, máy tính, Ipad, game online… là những thiết bị điện tử có khả năng đáp ứng rất nhanh nhu cầu của cả bố mẹ và bé. Tuy nhiên trước khi con thật sự trưởng thành để khai thác hết chức năng của chúng, đặc biệt là điện thoại, thì tốt hơn hết bố mẹ nên hạn chế việc trẻ tiếp xúc với các thiết bị trên.
Bởi hầu hết chúng có thể phản hồi ngay lập tức các tác vụ người dùng. Nên khi phải chờ đợi hoặc kiên nhẫn trong một tình huống nào đó trẻ rất dễ sinh ra chán nản, dễ cáu gắt và mất bình tĩnh do đã quen với sự phản hồi ngay lập tức của các thiết bị điện tử.
Do đó bố mẹ cần khuyến khích và cho bé tham gia các hoạt động ngoài trời, vừa là để “cách ly” bé với đồ điện tử, vừa giúp con phát triển toàn diện cả thể chất, sự linh hoạt nhanh nhẹn và các kỹ năng sống cơ bản.
2. Chủ động ghi nhận và đồng cảm với cảm xúc của con
Việc phải kiên nhẫn chờ đợi quá lâu không ai thích cả, đặc biệt với những “cỗ máy năng lượng” như trẻ em. Nếu con có những cảm xúc tiêu cực (mất kiên nhẫn, cáu gắt, bực bội…) khi gặp phải tình huống phải chờ đợi, bố mẹ cần đồng cảm với con, giúp con nhận ra chẳng ai thích chờ đợi cả.
Chẳng hạn khi bé và mẹ phải xếp hàng, khi bé đang bắt đầu có biểu hiện của sự mất kiên nhẫn mẹ có thể nói: “Mẹ hiểu cảm giác mệt mỏi của con lúc này khi phải chờ xếp hàng quá lâu, thế nhưng mẹ rất tự hào về con, vì con đã kiên nhẫn xếp hàng với mẹ!”.
Chắc chắn khi nghe vậy bé cũng sẽ có chút tự hào từ sự công nhận của mẹ, đồng thời ý thức được sự mệt mỏi chờ đợi là bình thường, kiên nhẫn mới là điều quan trọng.
3. Dạy con sự tự chủ
Một cách hiệu quả nữa để dạy trẻ tính kiên trì nhẫn nại đó là giải thích cho bé hiểu khi nào thì bé có thể được làm điều mình muốn, bởi đôi khi “Không được” hay “Không phải bây giờ” thật sự không có tác dụng với con!
Mẹ có thể dạy bé kiên nhẫn sau khi hoàn thành một công việc nào đó, ví dụ như “Chúng ta thanh toán xong sẽ đi mua kem cho con nhé!”. Nhất định trẻ sẽ đồng ý với đề nghị này của mẹ.
4. Dạy trẻ ứng phó – chứ không phải ngồi chờ khi phải kiên nhẫn
Khoảng thời gian chờ đợi không nên là khoảng thời gian lãng phí. Trong lúc phải kiên trì chờ đợi mẹ hoàn toàn có thể cho bé giết thời gian một cách có ích: đọc sách, vẽ tranh, tô màu, giải đố mẹo, chơi trò chơi dân gian…
Đôi khi sự kiên trì nhẫn nại còn phụ thuộc vào sự tự chủ, độc lập và khả năng ứng phó của bé, vậy nên nếu bé có cơ hội ra ngoài cùng gia đình, bố mẹ có thể mang theo sổ vẽ hoặc sách để khi con cần có thể đáp ứng ngay.
5. Làm gương là cách tốt nhất để dạy con sự kiên trì
Cách tốt nhất để dạy con biết kiên nhẫn và luôn bình tĩnh chính là quan sát – bắt chước bố mẹ. Đến đây mẹ hãy thử nghiệm lại chính mình rằng mẹ có thật sự kiên nhẫn không, mẹ có nóng nảy khi con có câu hỏi, né tránh trả lời con những câu hỏi “khó”, phần nào mất bình tĩnh khi con làm sai, con không đạt điểm tốt?
Ngoài ra bé cũng sẽ học mẹ thông qua hành động thực tế như cách mẹ tỏ thái độ và đối đáp với mọi người, kiên nhẫn chờ đợi khi xếp hàng… Chúng đều có tác động rất lớn tới thái độ, tính cách và hành vi của con sau này, cũng như trong suốt quá trình con trưởng thành về sau.
Thông qua bài viết 5 cách hữu ích để dạy con tính kiên trì trên, BingGo hy vọng bố mẹ đã có những thông tin hữu ích để ứng dụng nuôi dạy con hiệu quả hơn! Chúc bố mẹ thành công!
Theo binggo